VN
EL

Văn bản từ chối nhận di sản thừa kế có phải công chứng, chứng thực?

(PLO) – Pháp luật quy định việc từ chối nhận di sản thừa kế bắt buộc phải được thiết lập bằng hình thức văn bản. Văn bản từ chối nhận di...

(PLO) – Pháp luật quy định việc từ chối nhận di sản thừa kế bắt buộc phải được thiết lập bằng hình thức văn bản. Văn bản từ chối nhận di sản có thể được cơ quan công chứng chứng nhận hoặc UBND chứng thực nếu có yêu cầu của người từ chối nhận di sản nhưng không phải là trình tự bắt buộc.

Chế định về thừa kế được quy định cụ thể trong Bộ luật Dân sự 2015. Theo đó, thừa kế là việc chuyển dịch tài sản của người đã chết cho người còn sống. Tài sản để lại được gọi là di sản. Quyền được hưởng di sản thừa kế của một người được xác định thông qua hình thức thừa kế theo di chúc hoặc thừa kế theo pháp luật.

Dù ở bất kỳ khía cạnh nào, người được hưởng di sản thừa kế đều được pháp luật bảo vệ khi quyền và lợi ích của họ bị xâm phạm. Điều 32 Hiến pháp 2013 quy định: “Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác; Quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ”.

Như vậy, việc nhận di sản được pháp luật xác định là quyền, không ai có thể bị buộc phải nhận di sản, nếu không muốn. Vì thế, từ chối nhận di sản cũng được xem là quyền tự do ý chí của người thừa kế. Tuy nhiên, để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người khác, việc từ chối này sẽ bị hạn chế một số điểm và phải tuân thủ theo một hình thức, thủ tục nhất định.

Theo quy định tại Điều 620 Bộ luật Dân sự  năm 2015: “Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác;

Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết;

Việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản”.

“Không được từ chối nhận di sản để trốn tránh nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác”- quy định này nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp cho người có quyền mà người từ chối nhận di sản đang có nghĩa vụ phải thực hiện đối với họ như: nghĩa vụ trả nợ, nghĩa vụ cấp dưỡng…

Việc từ chối nhận di sản chỉ được thực hiện trong một thời gian nhất định bởi lẽ việc từ chối này còn liên quan trực tiếp đến quyền lợi của những người thừa kế khác. Pháp luật quy định việc từ chối bắt buộc phải được thiết lập bằng hình thức văn bản. Văn bản từ chối nhận di sản có thể được cơ quan công chứng chứng nhận hoặc UBND chứng thực nếu có yêu cầu của người từ chối nhận di sản nhưng không phải là trình tự bắt buộc.

Như vậy, việc từ chối nhận di sản theo Bộ luật Dân sự 2015 (có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2017) đã có sự khác biệt so với Bộ luật Dân sự 2005. Tại khoản 2, khoản 3 Điều 642 Bộ luật Dân sự 2005 quy định:  “Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản; người từ chối phải báo cho những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản, cơ quan công chứng hoặc UBND xã, phường, thị trấn nơi có địa điểm mở thừa kế về việc từ chối nhận di sản.

Thời hạn từ chối di sản là sáu tháng, kể từ ngày mở thừa kế. Sau sáu tháng kể từ ngày mở thừa kế nếu không có từ chối nhận di sản thì được coi là đồng ý nhận thừa kế”.

Nếu căn cứ vào quy định trên của Bộ luật Dân sự 2005 thì việc từ chối nhận di sản thừa kế phải  được lập thành văn bản, người từ chối nhận di sản phải báo cho những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản, cơ quan công chứng hoặc UBND xã, phường, thị trấn nơi có địa điểm mở thừa kế về việc từ chối nhận di sản. Đồng thời, Bộ luật Dân sự 2005 còn quy định thời hạn từ chối nhận di sản là sáu tháng kể từ ngày mở thừa kế, nếu sau thời hạn này thì văn bản từ chối nhận di sản không có hiệu lực.

Tóm lại, đối với Bộ luật Dân sự 2005, điều kiện để văn bản từ chối nhận di sản có hiệu lực thì văn bản này phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực và chỉ được từ chối trong thời hạn sáu tháng kể từ thời điểm mở thừa kế. Còn đối với Bộ luật dân sự 2015, văn bản từ chối nhận di sản không bắt buộc phải công chứng, chứng thực và thời hạn từ chối nhận di sản không còn bị giới hạn trong sáu tháng như luật cũ.

Nguồn:  baophapluat.vn

Để lại bình luận của bạn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan