1. Keangnam Landmark Tower
Keangnam Landmark Tower tọa lạc tại mặt đường Phạm Hùng, cao 72 tầng và là tòa nhà cao nhất Việt Nam với các dịch vụ căn hộ được quảng cáo vào loại hiện đại nhất mang tầm châu lục.
Thế nhưng, đây cũng là một trong những dự án bất động sản dính nhiều bê bối nhất tính cho đến thời điểm hiện tại.
Tranh chấp tại dự án này bắt đầu từ giữa năm 2011, cư dân tại Keangnam Hanoi Landmark Tower làm thủ tục kiện chủ đầu tư do thu phí dịch vụ và tiền trông xe cao gấp nhiều lần so với mức quy định của thành phố.
Chủ đầu tư áp phí quản lý lên tới 0,99 USD/m2 tức xấp xỉ 21.000 đồng/m2, cao gấp 5 lần mức phí chung và là mức kỷ lục đối với các chung cư Hà Nội từ trước tới nay.
Sau nhiều lần đàm phán, chủ đầu tư đã buộc phải hạ mức phí này xuống đúng bằng giá trần của UBND TP. Hà Nội. Tuy nhiên, hết thu cao thì ban quản lý tòa nhà lại cung cấp dịch vụ kém chất lượng, cắt điều hòa, thang máy, tháo đèn….để dằn mặt cư dân.
Đỉnh điểm như vụ việc xảy ra gần đây, do nhiều cư dân Keangnam không chịu đóng phí dịch vụ, chủ đầu tư tòa nhà đã hạn chế thẻ sử dụng thang máy của 370 hộ dân. Ngay sau khi bị cắt một số dịch vụ, chiều 3/12/2013, hàng trăm cư dân đã tụ tập phản đối chủ đầu tư.
Bên cạnh đó, không ít cư dân tại đây tố đã bị “ăn cắp hàng tỷ đồng” do chủ đầu tư tính sai diện tích căn hộ, thậm chí chủ đầu tư còn sử dụng một số phần diện tích chung để kinh doanh riêng.
Theo thông tin cung cấp từ các cư dân tòa nhà, không ít căn hộ đã bị thiếu diện tích từ 10 – 20m2, thậm chí có căn hộ bị thiếu đến 1/6 diện tích. Với giá bán căn hộ hồi đó lên tới 3.000USD/m2, nhiều người mua nhà tại đây đã bị thiệt hại hàng tỷ đồng.
2. Dự án 409 Lĩnh Nam: Chủ đầu tư bị bắt
Sau 4 năm đóng tiền đặt cọc mua nhà tại dự án Megastar Dominium Vĩnh Hưng (409 Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội), khách hàng có nguy cơ mất trắng tiền tỷ vì dự án đến nay vẫn là bãi đất trống còn chủ đầu tư đã bị bắt giữ vì tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Chủ đầu tư dự án nói trên là công ty Trách nhiệm hữu hạn kinh doanh nhà Vĩnh Hưng, do ông Nguyễn Hoàng Long đã bị bắt hôm 7/5/2013 làm Chủ tịch hội đồng thành viên. Dự án nói trên được xây dựng trên khu đất 1,2 hecta, theo thiết kế sẽ có 25 tầng, khởi công từ năm 2009 với tổng mức đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng, chậm nhất đến quý III/2011 sẽ bàn giao nhà cho khách.
Các khách hàng đóng tiền theo tiến độ, đợt đầu tiên là 30% giá trị căn nhà. Giá chào bán của dự án này là 12 triệu đồng/m2, nhưng thực tế, theo nhiều cư dân, họ phải trả thêm mức chênh 2-4 triệu đồng/m2 nên mức giá thực đội lên 14-16 triệu đồng. Tính đến thời điểm này, nhiều người đã đóng được 2 đợt đặt cọc với tỷ lệ chiếm tới 50% giá trị căn nhà.
Quá thời gian vay vốn vài năm mà không thấy dự án triển khai, rất nhiều khách hàng đã đến làm việc với chủ đầu tư để đòi lại tiền nhưng đều không được vì chủ đầu tư không còn đủ năng lực tài chính để có thể đáp ứng yêu cầu của khách hàng.
Số tiền đã đóng vào dự án này chưa biết ai sẽ trả lại cho khách hàng, còn số phận của dự án cũng chưa biết sẽ đi đâu về đâu.
3. Chung cư Binh đoàn 12, Đại Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội
Sau nhiều năm người dân đóng tiền, Dự án chung cư Binh đoàn 12 vẫn là bãi đất hoang lèo tèo vài cây cọc, thậm chí còn chưa có cả giấy phép xây dựng.
Do đó, 28/9/2013, rất đông khách hàng của Dự án Chung cư Binh đoàn 12 đã tập trung tại trụ sở chính của Công ty Bất động sản Thế kỷ (Cengroup) để đòi lại số tiền mà họ đã góp vốn từ 3 năm trước.
Liên quan đến việc nhiều người đã tụ tập trước trụ sở CenGroup để đòi tiền đã nộp cho Công ty TNHH Quản lý Bất động sản Thế Kỷ, khiến CenGroup sau đó phải lên tiếng, rằng đó là sự nhầm lẫn. Và mới đây, nhiều người tiếp tục tụ tập đến trụ sở Công ty Quản lý Bất động sản Thế Kỷ, thậm chí đến cả nhà riêng cán bộ nhân viên công ty này để đòi tiền.
Theo đại diện của Cengroup, khách hàng đã “nhầm lẫn” giữa Công ty Cổ phần Bất động sản Thế kỷ (CenGroup) với Công ty TNHH Quản lý Bất động sản Thế Kỷ, dẫn đến việc tụ tập, bao vây trụ sở của CenGroup. Mặc dù 2 công ty có tên tương tự nhau là “bất động sản Thế Kỷ”, nhưng là hai pháp nhân hoàn toàn khác nhau.
Xung quanh vụ việc này, các cơ quan chức năng như Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội cũng đã có văn bản yêu cầu các bên liên quan phải giải trình vì sao tiến độ lại chẫm trễ quá mức như vậy. Tuy nhiên, hiện tại dự án vẫn chưa thấy có gì thay đổi, tranh chấp này chắc chắn sẽ vẫn còn kéo dài hơn nữa.
4. Lê Văn Lương Residential, Hà Đông, Hà Nội
Dự án Lê Văn Lương Residential nằm trên đường trục phía Bắc quận Hà Đông, Hà Nội. Quy mô dự án khoảng hơn 2.000 căn hộ, do Tập đoàn Nam Cường làm chủ đầu tư.
Ngày 14/10, gần 100 khách hàng mua căn hộ tại tổ hợp chung cư Lê Văn Lương Residentials đã kéo đến trụ sở của Công ty CP tập đoàn Nam Cường căng băng rôn, biểu ngữ tố chủ đầu tư ăn gian diện tích. Chủ đầu tư đã có câu trả lời nhưng không làm hài lòng khách hàng. Tiếp tục bất đồng quan điểm, hai bên cho rằng cần phải làm văn bản trình và nhờ Bộ Xây dựng phân xử.
Cao trào của vụ việc xảy ra vào sáng 10/11, người dân trong khu đô thị Dương Nội được một phen khiếp đảm khi hàng trăm đối tượng đầu gấu lạ mặt, xăm trổ đầy mình xuất hiện để “bảo kê” trong buổi sáng diễn ra Lễ khánh thành khu đô thị The Spark do Tập đoàn Nam Cường tổ chức.
Đám côn đồ cử người 1 kèm 1, thậm chí 2, 3 côn đồ “kèm” một người dân. Hễ người dân có động thái “bén mảng” vào khu vực khánh thành thì ngay lập tức đám này xông lên chỉ mặt dọa nạt.
Một số người còn bị hành hung đổ máu, thậm chí theo phản ánh của người dân và báo chí, xã hội đen còn dọa cho người dân “ăn đạn” vào đầu.
5. Chung cư cao cấp The Mannor
Vài năm trước, The Manor (Mỹ Đình, Hà Nội) là một trong những tổ hợp chung cư hiện đại nhất Hà Nội. Cảnh quan đẹp, các khu vực dịch vụ tiện ích như bể bơi, khu vui chơi, siêu thị, nhà hàng được quy hoạch hợp lý.
Tuy nhiên, khi tòa nhà mới hoạt động năm 2007, cư dân đã giăng băng rôn phản đối chủ đầu tư tính phí quản lý nhà quá cao, mỗi tháng là 14.000 đồng/m2, phí gửi xe máy cũng tới 160.000 đồng/xe và ôtô là 1,6 triệu đồng/xe. Đỉnh điểm là tháng 3/2009, tranh chấp lại tái phát. Một số cư dân không chịu đóng phí nên chủ đầu tư đã chặn barie trước cửa hầm.
Sau nửa năm khiếu kiện không thành, 2 bên thậm chí còn có xô xát khiến một người phải nhập viện. Đại diện cơ quan chức năng, chính quyền cũng nhiều lần can thiệp nhưng tranh chấp vẫn kéo dài cho đến gần một năm sau. Khi đó, đơn vị quản lý tòa nhà cho biết sẽ giảm mức phí xuống tương đương với các khu căn hộ cao cấp khác tại Hà Nội.