VN
EL

Người mua chung cư Keangnam kiện chủ đầu tư

Cho rằng Keangnam – Vina sai luật khi tính giá căn hộ theo ngoại tệ và ghi không đúng diện tích, chị Thanh khởi kiện đòi trả lại gần một...
Cho rằng Keangnam – Vina sai luật khi tính giá căn hộ theo ngoại tệ và ghi không đúng diện tích, chị Thanh khởi kiện đòi trả lại gần một tỷ đồng đặt cọc.

Sau 5 ngày nghị án, hôm nay TAND quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) đã ra phán quyết vụ kiện dân sự giữa nguyên đơn Tạ Vân Thanh và Công ty TNHH một thành viên Keangnam – Vina.

Theo bản án, tháng 11/2009, chị Thanh ký hợp đồng mua căn hộ tại tầng 7 của toà A Keangnam, diện tích gần 119 m2 với tổng giá trị gần 320.000 USD. Để giữ suất mua, chị Thanh được yêu cầu đặt cọc 5.000 USD (khoảng 90 triệu đồng). Đến tháng 3/2010, chị này thanh toán cho chủ đầu tư gần 800 triệu đồng.

Chị Thanh khởi kiện cho rằng Keangnam – Vina thu tiền bằng ngoại tệ là vi phạm Pháp lệnh ngoại hối. Chị cũng đề nghị làm rõ cách tính diện tích của chủ đầu tư khiến người mua thiệt thòi do phân chia toàn bộ diện tích thuộc sở hữu chung (tường, cột, khung chịu lực, hộp kỹ thuật) vào diện tích căn hộ. Căn hộ của chị Thanh thực tế đã bị hụt gần 7m2.

Chị Thanh đề nghị tòa ra phán quyết buộc Keangnam hoàn trả số tiền gần 800 triệu đồng đã nộp trước đó.

Tại tòa, đại diện Keangnam cho rằng niêm yết, quy đổi bằng USD là để báo cáo về tập đoàn. Việc ghi giá ngoại tệ trong hợp đồng và sau đó quy đổi là không vi phạm các quy định của pháp luật.

Về diện tích căn hộ, hợp đồng ghi rõ diện tích tính theo thông tư 01/2009, thời điểm này đang có hiệu lực. Do đó, cách tính tim tường là tính cả diện tích sở hữu chung như cột chịu lực…

Hợp đồng không tính theo giá m2 mà chỉ tính cả căn hộ. Khi giao nhà, hợp đồng ghi cách tính theo tim tường, diện tích 120 m2. Kết quả công ty lại cho thấy sai số rất bé (0,08m2) chưa đến 1/10m2 nếu tính trên toàn bộ diện tích.

Xem xét trình bày của hai bên, TAND quận Nam Từ Liêm cho hay căn cứ Nghị quyết 04 của Hội đồng thẩm phán Tối cao, nếu nội dung hợp đồng kinh tế có thỏa thuận giá cả, thanh toán bằng ngoại tệ trong khi một hoặc các bên không có chức năng thanh toán bằng ngoại tệ nhưng sau đó các bên thỏa thuận thanh toán bằng đồng Việt Nam thì giao dịch đó không bị vô hiệu toàn bộ. Vì lẽ đó “hợp đồng bán căn hộ không bị vô hiệu toàn bộ, chỉ vô hiệu một phần”.

Theo Thông tư 01/2009, tổng diện tích căn hộ được tính bằng cách đo từ tim tường bao ngoài căn hộ và tim tường ngăn cách giữa các căn hộ. Hình ảnh thực tế của căn hộ mẫu thể hiện có cột chịu lực, có hộp kỹ thuật, hộp phòng cháy chữa cháy… Nguyên đơn được xem và không có ý kiến. Do vậy, tòa không có căn cứ chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn chuyển cách tính đo tim tường về cách tính thông thủy.

Theo tòa, nguyên đơn cho rằng lúc bán hàng, bị đơn đã cung cấp thông tin về phối cảnh dự án không trung thực. Bị đơn khai trong các bản phối cảnh có thể hiện công viên, hồ nước, bể bơi nhưng dưới đó có ghi hình ảnh có thể bị thay đổi mà không cần báo trước. Nguyên đơn đã được xem, đọc nhưng vẫn ký hợp đồng.

Về việc bị đơn yêu cầu nguyên đơn bồi thường hơn 3,2 tỷ đồng do vi phạm hợp đồng, lãi chậm trả…, tòa cho rằng không có cơ sở để chấp nhận.

Từ các nhận định trên, toà bác đơn khởi kiện của chị Thanh cũng như phản tố của Keangnam – Vina.

Chung cư Keangnam đi vào hoạt động năm 2011, với hơn 900 căn hộ cao cấp, giá bán trung bình 60 triệu đồng mỗi m2. Chung cư hiện có 70% diện tích để ở, còn lại được các chủ hộ dùng để cho thuê hoặc kinh doanh thương mại. Từ khi tòa nhà vận hành, đã có nhiều bất đồng giữa cư dân và chủ đầu tư về diện tích, mức phí gửi xe và một số dịch vụ khác… Những tranh chấp liên quan đến phí bảo trì cũng nảy sinh từ cuối năm ngoái nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Nguồn: http://vnexpress.net/

Để lại bình luận của bạn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan