Quy định pháp luật về phân chia gói thầu xây dựng
Việc phân chia gói thầu trong kế hoạch đấu thầu được đề cập lần đầu tiên trong Luật đấu thầu 2005. Theo đó, kế hoạch đấu thầu phải lập cho toàn bộ dự án. Trong kế hoạch đấu thầu phải nêu rõ số lượng gói thầu và nội dung của từng gói thầu. Việc phân chia dự án thành các gói thầu phải căn cứ theo tính chất kỹ thuật, trình tự thực hiện, bảo đảm tính đồng bộ của dự án và có quy mô gói thầu hợp lý.
Luật Đấu thầu năm 2013 đã quy định rõ nguyên tắc phân chia dự án thành các gói thầu tại Điều 33. Theo đó:
“1. Kế hoạch lựa chọn nhà thầu được lập cho toàn bộ dự án, dự toán mua sắm. Trường hợp chưa đủ điều kiện lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho toàn bộ dự án, dự toán mua sắm thì lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho một hoặc một số gói thầu để thực hiện trước.
2. Trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải ghi rõ số lượng gói thầu và nội dung của từng gói thầu.
3. Việc phân chia dự án, dự toán mua sắm thành các gói thầu phải căn cứ theo tính chất kỹ thuật, trình tự thực hiện; bảo đảm tính đồng bộ của dự án, dự toán mua sắm và quy mô gói thầu hợp lý.”
Nguyên tắc này được điểm c khoản 3 Điều 4 của Thông tư số 10/2015/TT-BKHĐT ngày 26/10/2015 của Bộ Kế hoạch và đầu tư quy định chi tiết về kế hoạch lựa chọn nhà thầu quy định phần công việc thuộc kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải ghi rõ số lượng gói thầu và nội dung của từng gói thầu và giải trình các nội dung đó. Trong phần này, phải nêu rõ cơ sở của việc chia dự án thành các gói thầu. Nghiêm cấm việc chia dự án thành các gói thầu trái với quy định của Luật Đấu thầu 2013 nhằm mục đích chỉ định thầu hoặc hạn chế sự tham gia của các nhà thầu. Cũng tại điểm a khoản 3 Điều 6 Thông tư số 10/2015/TT-BKHĐT quy định việc phân chia dự án thành các gói thầu căn cứ theo tính chất kỹ thuật, trình tự thực hiện, tính đồng bộ của dự án và sự hợp lý về quy mô gói thầu.