VN
EL

Vụ tranh chấp tại Keangnam: Khi nào hết rối?

Những vụ việc tương tự đã từng xảy ra, và thực tế mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và người dân chưa được giải quyết dứt điểm. Trong những ngày...

Những vụ việc tương tự đã từng xảy ra, và thực tế mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và người dân chưa được giải quyết dứt điểm.

Trong những ngày qua, một cảnh tượng hỗn loạn đã diễn ra tại tòa nhà cao nhất Việt Nam Keangnam Landmark Tower khi người dân mang chiếu, loa, bếp than tổ ong, lều võng phong tỏa văn phòng của chủ đầu tư. Vụ việc bắt nguồn do chủ đầu tư đưa ra mức phí dịch vụ cao gấp nhiều lần quy định của thành phố Hà Nội.

Điều khiến những người mua căn hộ tại đây bức xúc là việc tăng phí không tương xứng với chất lượng dịch vụ. Mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm khi chủ đầu tư cắt điện, hạn chế sử dụng thang máy của cư dân.

Liên quan đến vụ việc này, ngày 5/12, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Quốc Tuấn đã ký văn bản yêu cầu Công ty TNHH một thành viên Keangnam- Vina (chủ đầu tư tòa nhà Keangnam tại xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm) dừng các hành động gây sức ép như cắt điện, nước, không mở cửa thang máy đối với người dân, đồng thời phải đảm bảo cung cấp đầy đủ các dịch vụ phục vụ sinh hoạt cho các hộ dân sinh sống trong tòa nhà.

Sở Xây dựng Hà Nội cũng yêu cầu chủ đầu tư tòa nhà Keangnam công khai toàn bộ các khoản thu chi, hạch toán giá dịch vụ nhà chung cư cho toàn bộ cư dân sinh sống tại tòa nhà để thỏa thuận giá dịch vụ theo đúng các quy định.

Sở cũng có văn bản đề nghị UBND huyện Từ Liêm thực hiện việc giám sát, kiểm tra chủ đầu tư tòa nhà Keangnam về việc quản lý dịch vụ của tòa nhà, không để chủ đầu tư cắt điện, nước và không mở thang máy như việc chủ đầu tư vừa thực hiện, đảm bảo ổn định sinh hoạt cho các hộ dân.

Trao đổi với báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Luật sư Bùi Quang Hưng khẳng định: Cách hành xử của Keangnam đã vi phạm pháp luật Việt Nam. Nếu trong thời gian gần nhất, phía Keangnam không có động thái gì về những thắc mắc của người dân, văn phòng luật sư Bùi Quang Hưng và cộng sự sẽ bổ sung hướng dẫn để người dân khởi kiện theo đúng  quy định pháp luật để đòi lại quyền lợi chung.

Sau vụ việc trên, có báo còn cho rằng, tòa nhà Keangnam sở hữu nhiều cái “nhất”… tai tiếng nhất, như : Vụ cá cược ồn ào nhất, hỏa hoạn nhiều nhất, tai nạn nhiều nhất, bị cư dân tố nhiều nhất và gây bức xúc nhất.

Thực tế cho thấy, trước Keangnam Landmark Tower, những vụ việc tương tự cũng đã xảy ra cả ở những tòa nhà cao cấp hay dạng “thường thường bậc trung”. Tại tòa nhà The Manor (Hà Nội), người dân từng phong tỏa lối ra vào để phản đối các mức phí dịch vụ trông giữ xe mà chủ đầu tư đưa ra. Trong khi đó, chủ đầu tư thì cho rằng, tầng hầm tòa nhà thuộc sở hữu của chủ đầu tư nên muốn để xe dưới tầng hầm, ngoài phí trông giữ, người dân phải trả tiền thuê chỗ. Mâu thuẫn cho đến nay vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm.

Các tòa nhà chung cư hiện do 3 nhóm chính quản lý là chủ đầu tư; người dân thành lập ban quản trị để quản lý, hoặc Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội được giao nhiệm vụ quản lý (thường là các tòa nhà chung cư tái định cư). Trong đó nhóm nhà do chủ đầu tư trực tiếp quản lý là dạng phổ biến nhất, đồng thời cũng phức tạp nhất, với nhiều hình thức khác nhau.

Do thời điểm thực hiện dự án, sự hoàn thiện và bàn giao hạ tầng dự án khác nhau nên chi phí quản lý dịch vụ có sự chênh lệch nhau rất lớn, dẫn đến việc quản lý dịch vụ nhà chung cư không có sự đồng đều từ chất lượng đến trách nhiệm của đơn vị cung cấp dịch vụ.

UBND TP Hà Nội đã ban hành bảng giá trần dịch vụ nhà chung cư, theo đó mức phí dịch vụ cao nhất là 4.000 đồng/m2/tháng, thấp nhất là 2.400 đồng/m2/tháng. Tuy nhiên, trường hợp giữa bên cung cấp và bên sử dụng dịch vụ đã có thỏa thuận về các điều kiện dịch vụ và giá dịch vụ nhà chung cư thì không áp dụng bảng giá này mà áp dụng theo thỏa thuận giữa hai bên. Mặt khác, các loại dịch vụ chưa có hoặc có nhưng chưa đủ thành phần công việc (tần suất, chất lượng) trong giá dịch vụ chung cư được ban hành thì người sử dụng dịch vụ và doanh nghiệp tổ chức quản lý vận hành, cung cấp dịch vụ có trách nhiệm thỏa thuận với nhau.

Sau nhiều vụ việc, mà gần nhất là tại tòa nhà Keangnam, người ta vẫn chưa thấy lối ra cho một thỏa thuận làm đẹp lòng cả các bên. Hy vọng rằng, sự việc sẽ được giải quyết êm thấm khi dự kiến ngày 7/12, huyện Từ Liêm thay mặt chính quyền làm người làm trung gian để hai bên đàm phán nhằm thỏa thuận việc phí dịch vụ của khu chung cư cao cấp Keangnam./.

Báo điện tử VOV

Để lại bình luận của bạn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan