VN
EL

Khúc mắc lớn trong mua bán căn hộ cao cấp ở tòa nhà Keangnam

ANTĐ – Sau nhiều lần bị hoãn, hôm qua (12-6), TAND quận Nam Từ Liêm đã mở lại phiên xét xử vụ án khách hàng khởi kiện Công ty TNHH một...

ANTĐ – Sau nhiều lần bị hoãn, hôm qua (12-6), TAND quận Nam Từ Liêm đã mở lại phiên xét xử vụ án khách hàng khởi kiện Công ty TNHH một thành viên Keangnam-Vina (gọi tắt là Keangnam) trong việc mua bán căn hộ ở tòa chung cư cao cấp Keangnam. Dù đến ngày 17-6 tòa mới đưa ra phán quyết, song với những gì đã diễn ra, không ít người sẽ nhìn nhận Keangnam với “con mắt” khác…

“Tố” mua nhà trong thế “bị ép”

Theo đơn khởi kiện và trình bày của bà Lê Xuân Hoa, đại diện cho bà V.T. Thanh (trú ở quận Hoàn Kiếm) – người ký hợp đồng mua một căn hộ ở tòa nhà Keangnam tại phiên tòa, tháng 11-2009, bà Thanh đến tham quan căn hộ mẫu của tòa nhà Keangnam, tọa lạc tại phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm.

Sau một hồi xem xét, bà Thanh đề nghị người đại diện của Keangnam cấp cho một bộ hợp đồng mua bán căn hộ để nghiên cứu các điều khoản. Tuy nhiên, khi ấy, người của
Keangnam lấy lý do sợ lộ bí mật kinh doanh nên yêu cầu khách hàng phải nộp một khoản tiền đặt cọc là 5.000 USD để bày tỏ thiện chí sẽ mua căn hộ.

Và theo quy định của doanh nghiệp, chỉ khi khách nộp khoản tiền đặt cọc đó thì Keangnam mới bảo đảm căn hộ không bán cho người khác, đồng thời sẽ cung cấp hợp đồng cho khách hàng.


Cũng theo trình bày của bà Hoa, mặc dù thấy rất lạ, song do tin tưởng Keangnam là một tập đoàn lớn nên bà Thanh vẫn chấp thuận. Trên cơ sở này, ngày 11-11-2009, bà Thanh đã nộp cho Keangnam 89.350.000 đồng (tương đương 5.000 USD).

Theo hẹn ngày 31-12-2009, bà Thanh đến khu căn hộ mẫu tại tòa nhà Keangnam ở Mễ Trì để ký kết hợp đồng mua bán căn hộ. Tại đây, bà Thanh được người của Keangnam đưa ra một bộ hợp đồng đã in sẵn, trong đó có đầy đủ thông tin của người mua và yêu cầu khách hàng xem xét bản hợp đồng ngay tại chỗ, rồi ký tên thể hiện việc giao kết hợp đồng.

Cũng theo trình bày của đại diện nguyên đơn, người của Keangnam nhất quyết yêu cầu bà Thanh phải ký ngay hợp đồng tại tòa nhà chứ không đồng ý cho mang các nội dung dự định giao kết về nhà nghiên cứu.

Ngoài ra, khi nhận thấy một số điều khoản trong hợp đồng bất hợp lý, bà Thanh muốn thương lượng thay đổi, hiệu chỉnh nhưng cũng không được chấp thuận.

Theo đại diện nguyên đơn, lúc đó người của Keangnam lý giải rằng đây là hợp đồng mẫu, áp dụng chung cho tất cả 900 căn hộ chứ không riêng gì trường hợp bà Thanh. Còn nếu khách hàng  không đồng ý ký hợp đồng thì sẽ bị mất trắng toàn bộ tiền đặt cọc 5.000 USD.

Trước tòa, đại diện nguyên đơn khẳng định, vì chỉ được đọc hợp đồng trong một khoảng thời gian rất ngắn, không được thay đổi, sửa chữa điều khoản nào và nếu không ký thì sẽ mất toàn bộ số tiền đặt cọc nên bà Thanh đã ký vào bộ hợp đồng mua bán căn hộ A710, tại tòa nhà Keangnam ngay trong ngày 31-12-2009.

Theo đó, bà Thanh đã đồng ý mua của Keangnam căn hộ chung cư này, tại tầng 7, tòa A của Keangnam có tổng diện tích là 118,75m2 với giá 319.394 USD. Tuy nhiên theo đại diện nguyên đơn, sau một thời gian ký kết hợp đồng mua căn hộ, bà Thanh nhận thấy chủ đầu tư tòa nhà chung cư cao cấp vi phạm cam kết với khách hàng, đặc biệt là diện tích căn hộ trong thực tế không đủ so với nội dung hợp đồng nên nhanh chóng có thông báo chấm dứt việc mua bán tài sản.

Tiếp đến, bà Thanh cũng yêu cầu Keangnam hoàn trả lại toàn bộ số tiền đã nhận của mình, nhưng chủ đầu tư tỏ ra bất hợp tác.

Từ những khúc mắc nêu trên, bà Thanh đã phải khởi kiện Keangnam ra tòa án, yêu cầu cơ quan bảo vệ pháp luật tuyên hợp đồng mua bán căn hộ giữa hai bên vô hiệu, đồng thời buộc chủ đầu tư phải hoàn trả toàn bộ số tiền đã nhận của khách hàng. Thế nhưng vụ án này cứ kéo dài dai dẳng từ năm 2012 đến nay.

Chủ đầu tư quyết không nhận vi phạm

Tại phiên tòa hôm qua, trả lời các câu hỏi của HĐXX sơ thẩm, đại diện nguyên đơn trình bày tranh chấp hợp đồng mua bán căn hộ giữa bà Thanh với Keangnam thực tế phát sinh từ tháng 4-2010.

Quá trình giải quyết vụ tranh chấp, nguyên đơn luôn tỏ rõ thiện chí và rất tích cực giải quyết các vướng mắc phát sinh, song phía bị đơn lại tỏ ra bất hợp tác. Thậm chí, phía bị đơn còn “kiện ngược”  bà Thanh với lý do khách hàng đã vi phạm cam kết.

Về lý do khởi kiện cụ thể, đại diện nguyên đơn khẳng định bản hợp đồng mua bán căn hộ giữa bà Thanh và Keangnam đã vi phạm quy định nghiêm cấm dùng ngoại tệ trong mua bán, giao dịch hàng hóa của Nhà nước.

Bên cạnh đó, phía Keangnam áp dụng cách tích diện tích nhà ở trái với Luật Xây dựng cùng các văn bản pháp luật liên quan khi không thực hiện cách tính “thông thủy” đối với căn hộ, làm thiếu hụt hơn 15m2 diện tích nhà ở của bà Thanh.

Về phía bị đơn, trả lời tòa án, ông Nguyễn Đức Mạnh – đại diện Keangnam cho biết không đồng ý với trình bày và yêu cầu của nguyên đơn. Bởi theo pháp luật dân sự thì các bên có quyền tự do cam kết, tự do thỏa thuận trong quan hệ dân sự. Khi giao kết hợp đồng mua bán căn hộ, Keangnam không ép buộc, không cấm đoán hoặc lừa dối khách hàng.

Nói về những cam kết đối với khoản tiền đặt cọc của nguyên đơn, đại diện bị đơn cho rằng, hoàn toàn phù hợp với thông lệ và cũng rất thông dụng ở Việt Nam. Nếu bên mua sau khi “đặt cọc” mà không ký kết hợp đồng và không tiếp tục tiến hành giao dịch sẽ bị mất khoản tiền đó.

Trả lời tòa về nội dung “tố cáo” của nguyên đơn là khi đi tham quan căn hộ mẫu bị khống chế về thời gian và không được đọc kỹ nội dung hợp đồng, đại diện bị đơn nói: “Không có”. Ông Mạnh lý giải, ngoài đi tham quan thực tế, bà Thanh còn được xem các hình ảnh về căn hộ và về tòa nhà.

Tiếp tục trả lời các câu hỏi của HĐXX, đại diện bị đơn quả quyết, xem căn hộ mẫu xong, khách hàng muốn mua thì phải nộp tiền “đặt cọc” là 5000 USD. Tiếp đến, khách được cho xem hợp đồng mẫu, hoàn toàn không bị khống chế về thời gian.

“Chúng tôi làm tầng mẫu là tầng 27 cho khách tham quan. Trong căn hộ mẫu có đầy đủ hộp kỹ thuật, hộp chịu lực, cột chung của toà nhà chứ không phải 1 tầng” – đại diện bị đơn trình bày.

Nói về bối cảnh không gian xung quanh tòa nhà, ông Mạnh cho rằng: “Chúng tôi chỉ giới thiệu cảnh quan xung quanh toà Keangnam, bởi mảnh đất phía trước là của Nhà nước dự định sẽ xây công viên và có hồ nước, chứ chúng tôi không nói của Keangnam làm”.

Giải thích về việc trong hợp đồng mua bán căn hộ quy định giá cả, thanh toán bằng ngoại tệ, ông Mạnh cho rằng Keangnam không vi phạm, vì Pháp lệnh Quản lý ngoại hối năm 2006 chỉ cấm 3 hành vi.

Đại diện bị đơn biện minh, Keangnam là tập đoàn quốc tế. Khi tham vấn các luật sư thì được biết mặc dù quy định giá cả, thanh toán bằng ngoại tệ, song nếu quy đổi ra tiền VND thì không vi phạm luật.

Bị “vặn” tiếp, tại sao Keangnam không quy định bằng tiền Việt, sau đó quy đổi ra USD, ông Mạnh giải thích không thể làm trái quy định chung và quy định thế chỉ nhằm mục đích để báo cáo về tập đoàn. “Sao khi hoà giải, ông nói quy định để đỡ chịu khoản trượt giá, giờ lại nói khác” – tòa hỏi. Đại diện bị đơn thừa nhận: “Có thể là như vậy”.

Bị “quay” về nội dung Keangnam đã đánh tráo cam kết về diện tích căn hộ mua bán giữa hợp đồng với thực tế, phía bị đơn giải thích  lấp lửng: “Chúng tôi nói diện tích căn hộ mẫu và căn hộ bán giống nhau. Bà Thanh mua hai căn hộ, 1 căn bà Thanh đã vào sống mà không hề có thắc mắc gì”.

Đại diện bị đơn còn cho rằng diện tích căn hộ bán cho bà Thanh theo hợp đồng nêu trên chỉ chênh lệch con số cực kỳ nhỏ. Sai sót đó hoàn toàn cho phép. Tại tòa, đại diện bị đơn cũng đã từ chối hàng loạt câu hỏi mà phía luật sư nguyên đơn đặt ra.

Sau 1 ngày xét xử, TAND quận Nam Từ Liêm đã quyết định nghị án kéo dài và sẽ đưa ra phán quyết vào 17-6 tới.

Nguồn: http://www.anninhthudo.vn/

Để lại bình luận của bạn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan