VN
EL

Sự an toàn của cư dân Keangnam bị đe dọa

ANTĐ – Keangnam hiện là một trong những khu chung cư hiện đại bậc nhất tại Hà Nội. Cư dân sống tại đây đã phải bỏ ra một số tiền...

ANTĐ – Keangnam hiện là một trong những khu chung cư hiện đại bậc nhất tại Hà Nội. Cư dân sống tại đây đã phải bỏ ra một số tiền không nhỏ để được sở hữu những căn hộ hạng sang. Mặc dù chung cư này được đưa vào sử dụng từ tháng 4-2011 và đến nay đã có quá nửa số căn hộ có người ở, nhưng chủ đầu tư vẫn chưa một lần họp với dân, áp đặt phí dịch vụ và có những hành xử khó chấp nhận…

Áp đặt vô lý

Chung cư Keangnam có 922 căn hộ, trong đó 600 căn hộ đã có người dân đến ở. Đây là một trong những tòa nhà hiện đại có kết cấu trang thiết bị đồng bộ, tự động trong mỗi căn hộ. Theo người dân sống tại chung cư Keangnam, bức xúc bắt đầu từ việc dù sống ở chung cư cao cấp nhưng họ lại không được hưởng dịch vụ “cao cấp”. Ngay sau khi chuyển đến chung cư, chủ đầu tư đã yêu cầu người dân đóng phí dịch vụ tòa nhà trong 3 tháng đầu với giá 0,99USD/m2 tương đương 21.000 đồng/m2. Nhận thấy mức giá này quá cao nên 3 tháng tiếp theo người dân quyết định không nộp phí. Đến tháng 11, chủ đầu tư lại tự đưa ra mức phí 17.130 đồng/m2 (chưa tính VAT) mà không quan tâm đến ý kiến của người dân và Quyết định số 4520 của UBND thành phố Hà Nội là 4.000đồng/m2. Để đảm bảo quyền lợi của mình, các hộ dân đã thành lập ra ban đại diện lâm thời, yêu cầu Công ty Keangnam thu phí dịch vụ theo quy định tại văn bản trên, đề nghị chủ đầu tư nên có cuộc họp với Ban đại diện lâm thời (BĐDLT) để 2 bên đưa ra mức phí hợp lý nhưng đơn vị chủ đầu tư đã từ chối.

Chiều 5-12, ông Trần Xuân Trạch, Tổ trưởng tổ dân phố lâm thời kiêm Phó Ban đại diện lâm thời khu chung cư Keangnam cho phóng viên ANTĐ biết, hiện chỉ có 200 hộ dân chấp nhận đóng phí theo mức chủ đầu tư đưa ra là được hưởng các dịch vụ khác như bể bơi, phòng đọc sách, phòng chơi bi – a, phòng bơi cho bé… 400 hộ dân còn lại không được hưởng bất cứ dịch vụ tiện ích nào bên trong tòa nhà. Chúng tôi cho rằng sống tại một khu cao cấp thì phải chấp nhận mức phí cao hơn là bình thường, nhưng khoản thu này phải có sự thỏa thuận với người dân chứ không thể áp đặt. Cách đây chưa lâu một nhân viên bảo vệ đã chui vào xe ô tô, ăn trộm máy tính của một người dân sống tại căn hộ 1101 – tòa nhà A. BĐDLT đã nhiều lần có văn bản gửi Công ty Keangnam Vina đề nghị tạm thu 2 tháng phí quản lý cho tòa nhà cho tháng 11, 12-2011 với mức phí 4.000 đồng/m2 theo quy định chung của thành phố và tiếp tục cung cấp các dịch vụ, tiến hành tổ chức cuộc họp với BĐDLT để đi đến thống nhất về mức thu chính thức nhưng Công ty Keangnam vẫn giữ nguyên quan điểm và từ chối giải thích.

Cũng theo ông Trạch, vào hồi 12h trưa 3-12, Ban quản lý tòa nhà Keangnam đã vô hiệu hóa thẻ từ của hơn 400 hộ gia đình. Đến 16h chiều cùng ngày, họ lại tiếp tục khóa cửa 2 cầu thang thoát hiểm khiến toàn bộ người dân sống trong khu chung cư “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Sự việc đã khiến người dân phải ăn chực, nằm chờ ở tầng 1 của tòa nhà, mọi sinh hoạt của người dân bị đảo lộn. Phải đến 21h cùng ngày, sau khi có sự xuất hiện của Công an huyện Từ Liêm, đơn vị quản lý tòa nhà Keangnam, mới nhượng bộ để người dân sử dụng thang máy. Tình trạng hỗn loạn tại tòa nhà cao nhất và hiện đại nhất Hà Nội tạm thời chấm dứt.

Keangnam – một trong những khu chung cư hiện đại nhất Hà Nội

Tức nước vỡ bờ

Trong hợp đồng mua bán nhà giữa hai bên có quy định: Phí quản lý dự tính do bên mua thanh toán sẽ là mức giá trần do UBND thành phố Hà Nội ban hành… Tuy vậy theo người dân sống tại chung cư Keangnam, mức phí dịch vụ chủ đầu tư đưa ra lên tới 18.843 đồng, cao gấp 4,5 lần mức quy định của UBND thành phố Hà Nội là trái quy định. Điều đáng nói là trong sổ tay cư dân lại có quy định: “Người dân không được phép lắp đặt mọi biển báo, quốc kỳ hoặc biển cấm ở bên ngoài tòa nhà và khu vực công cộng”. Quy định này khiến không ít người bức xúc bởi không biết trong những ngày lễ, tết của dân tộc họ sẽ phải treo cờ Tổ quốc ở vị trí nào? Được biết, câu chuyện xảy ra ở Keangnam đã từng xảy ra tại các tòa nhà chung cư khác, song diễn biến chung của những mâu thuẫn này đều bắt nguồn từ việc các cư dân luôn ở trong tình trạng bị động trước chủ đầu tư. Các cư dân thường buộc phải chấp nhận thực tế chủ đầu tư là người duy nhất cung ứng các dịch vụ, tiện ích trong toàn bộ tòa nhà. Đây có thể coi là sự độc quyền trong quản lý và cung cấp dịch vụ. Khi đó, biện pháp cuối cùng của cư dân chung cư là đấu tranh.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Giám đốc Công ty TNHH Luật S&B cho rằng: “Do nhiều cư dân Keangnam không chịu đóng phí dịch vụ nên chủ đầu tư tòa nhà đã hạn chế thẻ sử dụng thang máy của 370 hộ dân, khiến nhiều người không thể về nhà. Việc làm này của chủ đầu tư là không đúng luật và không thể chấp nhận được. Không thể áp đặt người dân trong lĩnh vực đóng phí, bởi hiện đã có quy định về mức phí trần đối với dịch vụ nhà chung cư của UBND thành phố Hà Nội nên người dân hoàn toàn có quyền phản hồi, khiếu nại nếu thấy mức phí đó không phù hợp với quy định.

Bên cạnh đó, khi có những khiếu nại của người dân, chủ đầu tư có nghĩa vụ phải xem xét giải quyết thỏa đáng và không được phép áp dụng các biện pháp làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi và cuộc sống của người dân. Trách nhiệm của chủ đầu tư là phải thực hiện đúng như cam kết đã thỏa thuận. Ngoài ra, việc khóa lối thoát hiểm tòa nhà A của Keangnam còn thể hiện sự vô trách nhiệm đối với cuộc sống và sự an toàn của người dân trong tòa nhà. Bởi nếu không may có hỏa hoạn hoặc rủi ro xảy ra thì người phải gánh chịu không ai khác là người dân. Nếu mâu thuẫn về mức phí giữa 2 bên không thỏa thuận được, cư dân có thể khởi kiện ra tòa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.

Thực tiễn cho thấy hiện các quy phạm pháp luật điều chỉnh trách nhiệm của các cơ quan quản lý tòa nhà và của các hộ dân hiện nay còn nhiều lỗ hổng. Việc áp dụng mức giá trần phí dịch vụ chung cư do thành phố đưa ra phần nào cũng gây khó khăn cho các đơn vị chủ đầu tư vì hiện nay chất lượng dịch vụ các tòa nhà cao tầng ở Hà Nội không đồng đều. Do vậy, để tránh xảy ra những tranh chấp phức tạp giữa người dân và đơn vị quản lý chung cư, cơ quan chức năng cần xem lại quy chế về quản lý chung cư một cách rõ ràng và cụ thể”.

Không được dừng cung cấp các dịch vụHôm nay, 5-12, Sở Xây dựng Hà Nội đã có văn bản gửi các cơ quan liên quan sau khi nhận được một số thông tin về việc tranh chấp giữa chủ đầu tư và các hộ dân sinh sống tại tòa nhà chung cư Keangnam Landmark Tower tại xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm về chất lượng và giá dịch vụ nhà chung cư. Phó Giám đốc Sở Xây dựng, ông Nguyễn Quốc Tuấn yêu cầu Công ty TNHH một thành viên Keangnam Vina (chủ đầu tư tòa nhà) tuyệt đối không được dừng cung cấp các dịch vụ điện, nước, thang máy để đảm bảo sinh hoạt bình thường của các hộ dân sinh sống tại tòa nhà. Đồng thời, tiến hành xây dựng giá dịch vụ nhà chung cư theo đúng nội dung hướng dẫn của Bộ Xây dựng và công khai toàn bộ các khoản thu, chi, hạch toán giá dịch vụ nhà chung cư cho toàn bộ cư dân sinh sống tại tòa nhà để thỏa thuận theo đúng các quy định hiện hành.Sở Xây dựng cũng đề nghị UBND huyện Từ Liêm giám sát, kiểm tra chủ đầu tư thực hiện việc quản lý dịch vụ đảm bảo không để chủ đầu tư cắt điện, nước, thang máy, đảm bảo ổn định sinh hoạt cho các hộ dân sinh sống tại tòa nhà. Đồng thời, báo cáo các nội dung liên quan đến việc quản lý sử dụng dịch vụ nhà chung cư Keangnam Landmark Tower về Sở Xây dựng để tổng hợp báo cáo UBND TP theo quy định.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Quốc Tuấn cho biết, chủ đầu tư và UBND huyện Từ Liêm cần gửi báo cáo về Sở Xây dựng trước ngày 12-12-2011.
CAH Từ Liêm đã can thiệp kịp thời

Thượng tá Lê Văn Phương – Phó Trưởng CAH Từ Liêm cho biết: “Để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra, CAH Từ Liêm đã cùng chính quyền xã Mễ Trì đã kiên nhẫn động viên bà con nên bình tĩnh, chấp hành đúng các quy định của pháp luật, đồng thời thuyết phục và tỏ thái độ cương quyết đối với đơn vị quản lý để mở lại lối thoát hiểm và thang máy cho người dân. Với sự can thiệp kịp thời này, ANTT tại tòa nhà chung cư Keangnam đã trở lại bình thường. Trong một vài ngày tới, lãnh đạo UBND huyện Từ Liêm sẽ chủ trì cuộc họp với sự tham dự của các bên liên quan bàn giải pháp tháo gỡ. Trong trường hợp hai bên không tìm được tiếng nói chung sẽ có văn bản gửi UBND thành phố xin ý kiến chỉ đạo”.

Báo An ninh Thủ đô

Để lại bình luận của bạn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan